Năm nay tuyết rơi không nhiều như mọi năm nhưng Phạm Thảo vẫn thấy mãn nguyện với chuyến đi mà cô mơ ước từ lâu.
Đến làng tuyết âm 30 độ Cáp Nhĩ Tân, cô gái thốt lên ‘tuổi thanh xuân thật đẹp’
Phạm Thảo là cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng những người yêu thích du lịch Trung Quốc. Cô gái 24 tuổi hiện làm việc ở một khách sạn lớn ở thủ đô Bắc Kinh thường xuyên có các chuyến du lịch, khám phá cảnh đẹp ở đất nước tỷ dân, sau đó luôn viết review rất “có tâm” và sẵn sàng cung cấp thông tin cho những người chuyển bị lên đường. Sau Lệ Giang, Phượng Hoàng cổ trấn, Thượng Hải…, ngôi làng tuyết cổ tích ở Cáp Nhĩ Tân là điểm đến tiếp theo được 9X Việt chinh phục.
“Với mình, du lịch là đến những nơi mình mơ ước khi vẫn còn trẻ để sau này nhìn lại thấy mình đã có một thanh xuân thật đẹp. Và Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc là một trong những niềm mơ ước của mình”, Thảo chia sẻ. Cáp Nhĩ Tân là thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở cực bắc Trung Quốc, có biên giới giáp Nga nên thời tiết rất lạnh. Nhiệt độ khoảng – 20 đến – 30 độ C, nhiệt độ cảm nhận có lúc tận -35 độ C. Tuy lạnh thấu xương nhưng Cáp Nhĩ Tân lại là miền đất được gọi tên nhiều nhất mỗi khi đông về bởi lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới.
“Chắc hẳn người Việt Nam ai cũng mơ ước một lần được ngắm tuyết, được thấy tuyết rơi, được nghịch đủ các trò với tuyết. Mình cũng vậy. Mình mơ mộng giấc mơ tuyết trắng từ lâu lắm rồi. Mặc dù năm nay tuyết rơi không nhiều như mọi năm nhưng mình vẫn thấy hoàn toàn mãn nguyện với chuyến đi này. Mình thậm chí phải hét lên nhiều lần: ‘Ôi thanh xuân của tôi đẹp quá’ khi được tận mặt nhìn những cảnh mà tưởng chỉ có ở trong truyện cổ tích. Trước khi đi mình phân vân suốt một thời gian vì sợ lạnh nhưng đi rồi mới thấy quá tuyệt vời”, Phạm Thảo nhớ lại chuyến đi vừa diễn ra cách đây vài tuần.
Cung đường này không dành cho các bạn “bánh bèo yếu đuối”, người chịu lạnh kém không thích nghi được với thời tiết. Riêng bản thân Thảo thì cảm thấy ổn vì đã quen nhiệt độ – 15 độ C ở Bắc Kinh. Về chi phí, tổng số tiền vào khoảng 25-30 triệu đồng. Với số tiền này, Thảo cho rằng “rẻ chứ không hề đắt” vì cảm xúc tuyệt vời không dễ gì có được. Bạn có thể bay từ Hà Nội, quá cảnh ở Hạ Môn, Quảng Châu, Thượng Hải hay Bắc Kinh, rồi bay đến Cáp Nhĩ Tân. Hoặc không, bạn có thể bay tới Bắc Kinh rồi mua vé tàu nhưng vào mùa cao điểm vé đắt khó mua. Thảo đã phải canh từng phút nhưng cũng không mua được, cuối cùng giành được “vé vớt” do có người hủy, tuy vậy chỉ là vé ngồi cứng suốt 12 giờ nên khá mệt.
Do đặt khách sạn ở trung tâm Cáp Nhĩ Tân nên di chuyển dễ dàng đến công viên Zhaolin và lễ hội băng đăng. Thảo tới đúng ngày khai mạc nên được xem màn pháo hoa hoành tráng. Giá vé khoảng 330 tệ. “Thật sự là choáng váng vì quá đẹp, hoành tráng, lung linh. Toàn bộ các công trình đều được điêu khắc cắt ghép từ băng tỉ mỉ. Ảnh chụp lên không bằng 1/10 bên ngoài. Mình phấn khích, nhảy múa hát ca khi đến nơi, dù giá vé khá cao và trời rất lạnh, tuyết tan ngấm buốt hết chân. Ở đây lạnh quá nên dù đẹp cũng chỉ chơi 3-4 tiếng là chịu hết nổi rồi”, cô cho biết.
Phấn khích là vậy nhưng phần thú vị nhất của chuyến đi là làng tuyết Mẫu Đơn Giang. Thảo đã thấp thỏm, kiểm tra thời tiết, mong ngóng suốt một thời gian dài. 2 ngày ở đây chính là lúc mà cô cảm thấy cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng và cổ tích thật sự có thật. Làng Mẫu Đơn Giang cách Cáp Nhĩ Tân 280 km, đi xe khoảng 5-6h là tới nhưng đường đi rất trơn trượt, nguy hiểm. Nhiệt độ ở đây rất lạnh, Thảo phải tăng cường dán thêm nhiều miếng dán giữ nhiệt để đảm bảo sức khỏe.
Giá vé vào cổng khoảng 120 tệ, sử dụng trong 48h. Nơi này rất thích hợp để sống ảo, đặc biệt là khi ngôi làng lên đèn. Ánh sáng vàng tỏa ra từ từng mái nhà bám đầy tuyết “tròn ú ụ” mang thương hiệu của ngôi làng.
Sáng hôm sau, Thảo và bạn đồng hành dậy sớm trekking lên Cốc Tuyết để ngắm bình minh. Con dường đi mất khoảng 5 6h khá gian nan và mệt mỏi. Sau đó, nhóm của Thảo cũng có trải nghiệm “đau điếng người” với trò trượt tuyết. “Bạn đồng hành của mình phấn khích quá độ, lao thẳng xuống rồi nằm im bất động 5 phút vì quá đau. Mình ở trên dốc nhìn thấy cũng sợ nên không dám trượt mà chỉ dám lăn xuống làm các nhân viên ở dưới được phen ôm bụng cười. Nhưng may mắn cũng chụp được vài kiểu ảnh đẹp, cuối cùng đau người và lạnh thấu tim nên quay về khách sạn”.
Tới Cáp Nhĩ Tân mà không chơi trò hắt nước sôi dưới tuyết thì thật uổng phí. Sáng sớm và tối là thời điểm thích hợp để chơi vì là lúc lạnh nhất trong ngày. Nhưng theo cô nàng sáng đẹp hơn, hắt dưới ánh nắng quay clip ngược sáng thì càng đẹp.
Hoàn thành tâm nguyện, Thảo yên tâm trở về Cáp Nhĩ Tân trong ngày 6 của chuyến đi. Cô nàng gợi ý cho bạn có thể mua sắm, dạo chơi ở phố đi bộ Zhongyang và ăn kem. Hoặc bạn cũng có thể đi dạo sông Tùng Hoa hoàn toàn đóng băng vào mùa đông. Rất đông người ra mặt sông chơi trò chơi với băng và tuyết như phao trượt, cầu trượt, bắn pháo, xe kéo… Vé lẻ cho các trò khá đắt, chơi hết tất cả thì 300 tệ/người.
Thảo cũng đưa ra lời khuyên, do thời tiết quá khắc nghiệt nên trước khi đi, bạn bắt buộc phải chuẩn bị những hành trang giữ ấm như áo phao lông vũ, áo khoác chuyên dụng chống nước; quần legging lông, giày đi tuyết chống trơn trượt, 50 miếng dán giữ nhiệt mỗi người, mũ lông, găng tay cảm ứng, tất lông… Đặc biệt do trời quá lạnh nên điện thoại rất nhanh bị sập nguồn nên bạn cần chuẩn bị sạc dự phòng. Thể lực người Việt không thích hợp với nhiệt độ như vậy nên bạn chú ý bổ sung, chuẩn bị sức khoẻ thật tốt.
Cuối cùng, bạn cần trang bị vốn tiếng Trung cơ bản vì khu vực này hoàn toàn không sử dụng tiếng Anh, còn dùng ứng dụng thì nhiều khi bất tiện. An ninh ở khu vực Đông Bắc cũng không tốt nên bạn cần bảo quản tài sản cẩn thận, tránh mang nhiều tiền mặt ra ngoài.