Cẩm nang làm visa đi Anh quốc để công tác

“Bạn đang và sắp đi công tác tới Anh? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm thủ tục hồ sơ xin visa đi Anh, quy trình các bước nộp hồ sơ chuẩn xác nhất và giới thiệu 1 vài văn hóa kinh doanh của người Anh để chuyến công tác của bạn sẽ diễn ra được trọn vẹn nhất.”

 

CHECKLIST HỒ SƠ XIN VISA CÔNG TÁC ANH

Hồ sơ nhân thân:

  • Hộ chiếu gốc (còn hiệu lực ít nhất 6 tháng kể từ ngày dự định vào Anh);
  • Tất cả các hộ chiếu cũ (nếu có);
  • 2 ảnh 4*6cm, nền trắng, mới chụp trong vòng 3 tháng;
  • Tờ khai xin visa Anh (hoàn thành trực tuyến);
  • Sao y Sổ hộ khẩu gia đình;
  • Sao y Giấy đăng ký kết hôn (nếu có);
  • Sao y Giấy khai sinh của con (nếu đã có con);

 

Chứng minh nghề nghiệp:

Nếu là cán bộ, nhân viên:

  • Sao y Hợp đồng lao động / Quyết định tuyển dụng / Quyết định bổ nhiệm / Quyết định tăng lương;
  • Xác nhận lương 3 tháng gần nhất (nếu trả lương bằng tiền mặt; hoặc
  • Sao kê tài khoản 3 tháng gần nhất (nếu trả lương qua ngân hàng);
  • Danh thiếp tại công ty đang làm việc
  • Quyết định cử đi công tác;
  • Thư mời công tác của đối tác bên Anh;

Nếu là chủ doanh nghiệp:

  • Sao y Đăng ký kinh doanh;
  • Báo cáo nộp thuế 6 tháng gần nhất;
  • Biên bản bàn giao công việc để đi công tác;
  • Thư mời công tác của đối tác bên Anh;

 

Chứng minh tài chính:

  • Sao y Sổ tiết kiệm có giá trị tổi thiểu 20.000 USD trở lên hoặc bản gốc Giấy xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của cá nhân hoặc của cơ quan nếu là chủ doanh nghiệp
  • Sao y Sổ đỏ hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc Giấy chuyển nhượng quyền thừa kế nhà đất có dấu đỏ hoặc xác nhận của chính quyền địa phương (nếu có)
  • Sao y Hợp đồng cho thuê nhà + hóa đơn nộp thuế (nếu có)
  • Sao y Giấy chứng nhận sở hữu các tài sản khác nếu có (xe hơi, cổ phiếu, cổ phần, trái phiếu);

 

Giấy tờ chuyến đi:

  • Xác nhận booking vé máy bay 2 chiều;
  • Xác nhận đặt phòng khách sạn;

Để tiện lưu trữ và tham khảo, bạn có thể tải về trực tiếp tại Checklist Hồ Sơ Xin Visa Công Tác Anh

 

visa-đi-anh-big-ben-house-of-parliment
Ngày mưa ảm đạm ở London

 

QUY TRÌNH NỘP HỒ SƠ XIN VISA CÔNG TÁC ANH

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Trước tiên, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ theo đúng checklist ở trên (trừ tờ khai xin visa sẽ được khai online sau).

Ngoại trừ hộ chiếu và các giấy tờ song ngữ, các giấy tờ khác bạn đều phải dịch thuật và có dấu xác nhận công chứng dịch thuật của các công ty dịch thuật hoặc của Sở Tư Pháp.

 

Bước 2: Đăng ký tài khoản trực tuyến, điền mẫu đơn xin visa Anh và đặt lịch hẹn

Việc đầu tiên trong bước này là bạn sẽ phải truy cập vào liên kết https://www.visa4uk.fco.gov.uk/ để đăng ký tài khoản và điền thông tin khai form visa Anh. Khi làm tờ khai không nên để trang Web “tĩnh” quá 2 phút, bạn sẽ bị logout và phải khai lại từ đầu.

Khi khai form xong, bạn hãy kiểm tra kỹ một lần nữa, sau đó ấn nút submit để nộp tờ khai và thanh toán phí visa. Lưu ý, chỉ có thể thanh toán phí visa bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa Card hoặc Master Card, nên bạn cũng cần phải đảm bảo bạn có một trong hai loại thẻ này khi điền tờ khai xin visa Anh trực tuyến.

Và một điều lưu ý nữa là sau khi thanh toán phí visa xong thì bạn sẽ không thể thay đổi bất kỳ thông tin nào trong form khai của mình nữa. Đó là lý do vì sao bạn phải kiểm tra thật kỹ trước khi nộp.

Phí visa nộp qua Trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực Vương quốc Anh (VFSGlobal) Hà Nội là 136 USD + Phí thanh toán online.

Sau khi nộp phí xong, bạn chuyển sang đặt lịch hẹn.

Lưu ý: Bạn sẽ nộp hồ sơ xin visa Anh qua Trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực Vương quốc Anh, chứ không phải nộp trực tiếp tại Đại sứ quán Anh. Hiện có 3 trung tâm VFSGlobal ở Việt Nam, tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, nên bạn hãy chọn trung tâm phù hợp nhất với bạn.

Sau đó, quý vị hãy in giấy hẹn ra và chờ ngày đến VFSGlobal để nộp hồ sơ.

Nếu không hẹn trước bạn sẽ không thể nộp hồ sơ.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Đến đúng ngày hạn, bạn nên thu xếp đến địa chỉ VFSGlobal mà bạn đăng ký sớm hơn khoảng 15 phút.

Địa chỉ Trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực Vương quốc Anh – VFSGlobal:

  1. Tại Hà Nội: Tòa nhà Gelex, Lầu 3, 52 Lê Đại Hành, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ViệtNam
  2. Tại Đà Nẵng: Lầu 6, Tòa nhà ACB, Số 218 Đường Bạch Đằng, Phường Phước Ninh, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
  3. Tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 5, Tòa nhà Resco, Số 94-96 Đường Nguyễn Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Thời gian nộp hồ sơ là: từ 8:30 đến 15:00 các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ ngày nghỉ lễ.

Bên cạnh bộ hồ sơ đã chuẩn bị, hộ chiếu và giấy tờ tùy thân khác, bạn hãy nhớ mang theo giấy xác nhận lịch hẹn vì nếu không có bạn sẽ phải quay về, và nếu không trở lại kịp thì bạn sẽ phải làm lại từ bước đặt lịch hẹn.

Sau khi VFSGlobal tiếp nhận và kiểm tra xong hồ sơ của bạn, bạn sẽ được cấp một giấy biên nhận. Hãy giữ lại giấy biên nhận này để sau này mang đến nhận lại hồ sơ.

Lưu ý quan trọngBạn sẽ không thể nộp thêm hồ sơ khác một khi đơn xin visa của bạn đã được nộp tại trung tâm tiếp nhận đơn xin thị thực. Hồ sơ mà bạn nộp vào lúc bạn lập đơn xin sẽ là hồ sơ duy nhất được xem xét. Do đó, hãy chuẩn bị hồ sơ thật kỹ các bạn nhé.

Sau đó, bạn sẽ cung cấp dấu vân tay và chụp hình (hay còn gọi là cung cấp thông tin sinh trắc( tại trung tâm tiếp nhận đơn xin thị thực VFSGlobal.

Sau đó, hãy chọn hình thức bạn muốn nhận lại hồ sơ của mình trực tiếp tại trung tâm VFSGlobal hay muốn được giao bằng dịch vụ chuyển phát.

 

Bước 4: Nhận kết quả visa và hồ sơ

Sau khi xét duyệt xong, kết quả visa và hồ sơ của bạn sẽ được trả theo phương thức bạn đã chọn.

Để có thêm các thông tin hữu ích khi làm visa đi Anh, bạn có thể xem thêm mục Câu Hỏi Thường Gặp trên Visana.

 

xin-visa-đi-anh-london-street
Đường phố London

 

Văn hóa kinh doanh của người Anh

Cách ăn mặc

Khi hợp tác người Anh, với doanh nhân nam nên: mặc quần áo vest hoặc áo sơ mi và chọn cà vạt tối hoặc sẫm màu, không đeo cà vạt sọc chéo vì đối tác sẽ nghĩ bạn là thành viên của một tổ chức quân đội và người ta có thể sẽ hỏi bạn ý nghĩa của chiếc cà vạt bạn đang đeo. Không để bất cứ thứ gì trong túi áo sơ mi hoặc áo vét. Còn nữ doanh nhân, nên chọn những trang phục kín đáo và sang trọng, không nên trang điểm quá lòe loẹt.

 

xin-visa-đi-anh-David-Tommy-711
Văn hóa ăn mạc quý phái lịch lãm của đàn ông London

 

Thái độ và giờ giấc

Người Anh rất coi trọng sự đúng giờ và chính xác giờ giấc đến từng phút, bạn sẽ bị mất tin tưởng và coi là bất lịch sự nếu đến muộn dù chỉ một vài phút. Do đó khi đã có hẹn với đối tác tại đây, bạn nên dự định thời gian thích hợp để đến đúng giờ. Nhịp độ cuộc sống và kinh doanh ở đây rất hối hả.

 

Đàm phán trong kinh doanh

Người có vị trí cao hơn trong cuộc gặp mặt sẽ là người nói chủ yếu trong cuộc gặp đó. Những cuộc thảo luận của người Anh thường rất sôi nổi, nếu cuộc đàm phán trở nên căng thẳng thì họ thường dừng lại, uống một chút rượu hoặc xin lỗi và đi ra ngoài. Người Anh thường dùng những lời nói mỉa mai để châm chọc đối thủ, họ sẵn sàng thể hiện sự không đồng tình nếu họ cho rằng một quan điểm nào đó bạn đưa ra là không chính xác nhưng cũng khá vui vẻ và hài hước.

Người Anh tin vào số liệu hơn tình càm, do đó, việc chuẩn bị những số liệu chính xác, cụ thể sẽ góp phần rất lớn vào việc thuyết phục đối tác người Anh.

 

Tặng quà

Người Anh không có thói quen tặng quà và nhận quà. Bạn không cần tặng họ những món quà có giá trị quá lớn mà có thể lấy những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa như: sách, hoa, rượu,…Tuy nhiên, nếu tặng hoa, cần tránh tặng các loại hoa: hoa hồng đỏ, hoa li trắng, hoa cúc.

 

Xây dựng mối quan hệ

Trong phong tục kinh doanh và hợp tác của người Anh, họ không cần phải có những mối quan hệ quá thân thiết trước khi bắt tay vào cuộc hợp tác và không làm việc qua trung gian. Người Anh sẽ tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài với những người kinh doanh cùng họ, và sẽ thận trọng với bạn nếu họ nhận ra rằng bạn không thể là một đối tác làm việc lâu dài.