Khi nghe tôi chuẩn bị đi Đài Loan lần 3, bạn bè thốt lên: “Đi hoài vậy? Sao không đi Mỹ, Úc, châu Âu để hộ chiếu quyền lực hơn?”.
Họ có lý, nhưng cũng mấy ai hiểu được rằng, với tôi, Đài Loan là hòn đảo mà tôi yêu mến với các giá trị cốt lõi: truyền thống, yên bình và văn minh.
Do du lịch tự túc, trước đó vài tuần, tôi háo hức trang bị nhiều kiến thức về điểm đến, phương tiện công cộng, cài đặt ứng dụng hướng dẫn giao thông. Tôi đến du lịch Đài Nam – thủ phủ xưa của Đài Loan trong một ngày trung tuần tháng 12 mát mẻ và tràn ngập nắng.
Vừa bước ra khỏi khu vực check-in của sân bay quốc tế bé xinh, tôi nhanh chóng nhận ra người đồng hương đang làm việc tại quầy hướng dẫn du khách, hỏi xe bus về trạm gần khách sạn ECFA phố Zhongyi nhất. Cô gái nhiệt tình và hoạt bát chỉ cho tôi đón xe số 5 dừng trạm Xích Khảm Lâu (Frontia Fort). Tôi còn nhanh nhảu nhờ cô bé đổi hộ 100 TWD tiền lẻ để đi xe bus (vì xe bus xứ Đài không hoàn lại tiền lẻ đâu!).
Chờ xe bus tại trạm dừng sạch sẽ, có sẵn cổng USB cho ai cần sạc pin, quá tiện lợi! Tôi hít một hơi thật sâu, nuốt vào lòng bầu không khí trong lành và cảm giác thật thư thả.
Đi du lịch Đài Nam mà không có thẻ Easy (Easy Card-EC) thì thật bất tiện. Điều bất ngờ là thẻ tôi có từ chuyến đi năm 2015 vẫn dùng được, dù đã có phiên bản hiện đại hơn thay thế. “Top up” – nạp tiền vào thẻ tại cửa hàng tiện lợi 7-Eleven gần Xích Khảm Lâu, từ đây, tôi thoải mái đi xe bus, train, thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi.
Chợ đêm là một nét văn hóa bản địa, có vô vàn sản phẩm, từ đồ gia dụng đến quần áo, đặc biệt là các món ăn hấp dẫn. Một thành phố nhỏ như Đài Nam nhưng có đến 3 chợ đêm, 1 chợ mở vào các ngày thường, 2 mở tối thứ bảy và 3 mở tối chủ nhật.
Bạn lạc đường ư? Đừng lo lắng khi người Đài Loan rất thân thiện, hiếu khách luôn tìm cách giúp đỡ bạn. Dù bất đồng ngôn ngữ do ít người sử dụng tiếng Anh, họ sẵn sàng bỏ việc riêng, đi bộ cùng bạn cả trăm mét để đến ngã 4 cần đi; họ không ngại chạy theo bạn khi họ chỉ nhầm đường, thậm chí có thể đứng chờ cùng bạn vài chục phút.
Sáng thứ bảy se lạnh, tôi tìm đường ra ga Đài Nam mua vé tàu lửa đi Chiayi (Gia Nghĩa), từ đó đi núi Alishan (A Lý Sơn) bằng xe bus. Cô bán vé biết tiếng Anh nhiệt tình, bán luôn cho tôi vé tàu lửa xuyên rừng từ Chiayi đến Fenqihu.
Tàu Alishan 1 chạy 45,8km. Đây là tuyến đường sắt khổ hẹp được xây dựng dưới thời Nhật Bản chiếm đóng đảo Đài Loan, phục vụ việc vận chuyển gỗ xuyên rừng, những chiếc đầu máy cỗ vẫn còn được lưu giữ tại ga tàu Fenqihu.
Tới ga Fenqihu, tôi tìm mua cơm hộp giá 130 TWD, khay cơm xinh xinh bằng gỗ ép, đảm bảo dinh dưỡng với thịt và nhiều loại rau cải. Nghe nói ông chủ nhờ bán cơm hộp cho lữ khách mấy chục năm nay mà trở thành đại gia của vùng.
Đến Alishan, tôi chỉ phải mua vé với giá giảm 50% (chỉ 150 so với 300 TWD). Đây cũng là sự ưu ái của ngành du lịch Đài Loan dành cho du khách hay dân địa phương sử dụng phương tiện công cộng đến công viên quốc gia. Lại là một cách làm du lịch rất văn minh của xứ họ!
Alishan chìm trong sương phủ chiều đông với con đường gỗ dành cho khách bộ hành tuyệt đẹp uốn lượn hơn một cây số. Thả hồn, tạo dáng, bạn dễ dàng tìm những góc ảnh đẹp lung linh huyền ảo, hòa quyện cùng thiên nhiên để tách biệt khỏi cuộc sống gấp gáp, ồn ào.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ, tôi lại bắt đầu hành trình bằng xe bus hơn 70km đến Chiayi, rồi mua vé tàu lửa về lại Đài Nam.
Hôm sau, tôi ngồi tại trạm đón xe bus du lịch 88 đi thăm phố cổ An Bình – một quận ven biển lưu dấu nhiều vết tích và hoài niệm về một hòn đảo Formosa thời thuộc địa. Lên xe quét thẻ, xuống xe quét thẻ, nhưng tài khoản không bị trừ đồng nào. Ah, thì ra ngày cuối tuần, du khách được miễn phí khi đi 2 tuyến xe bus du lịch 88 và 99.
Những công viên rộng lớn và các tòa nhà thương mại cao tầng nhộn nhịp, những viện bảo tàng đẹp lộng lẫy lúc đêm về với kiến trúc và kỹ thuật bày trí cực kỳ khoa học và bắt mắt, những con hẻm nhỏ với mái cũ rêu phong, những ngôi cổ tự, cổ miếu nghi ngút khói hương – Đài Nam đúng là nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại mà vị trí con người luôn đặt ở trung tâm.