Với nghìn năm văn hóa trải dài, Trung Quốc có nền ẩm thực độc đáo, đủ loại, từ sơn hào hải vị cầu kỳ đến món ăn bình dị truyền thống. Trong đó có những món ăn mang tên gọi rất “khó đỡ” góp phần tạo nên một bức tranh ẩm thực đặc sắc.
1. BÁNH BAO CHÓ CŨNG KHÔNG THÈM ĂN
Bánh bao “Cẩu Bất Lý” (Gou Bu Li) có nghĩa là “có cũng không thèm ăn” là một món đặc sản ở Thiên Tân. Đây là loại bánh bao từng được Từ Hy Thái Hậu ngợi khen là: “Cao lương mĩ vị chim trời cá biển đều không sánh bằng”. Sở dĩ nó có tên là bánh bao “Cẩu Bất Lý” là bởi tương truyền vào thời hoàng đế Đông Trị có người tên Cao Quý Hữu, được mẹ đặt tên ở nhà là Cẩu Tử có tài nghệ làm bánh bao rất tinh thông từ năm 17 tuổi. Nhờ vào tài nghệ của mình mà bánh bao Cẩu Tử làm ra vừa có sắc vừa có vị, thu hút rất nhiều quan khách đến ăn. Tới nỗi Cẩu Tử bận làm bánh mà không có thời gian đàm đạo cùng khách quan. Do đó khách mới trêu: “Cẩu Tử bận làm bánh bao, chẳng thèm quan tâm khách.” rồi thành ra cái tên bánh bao “Cẩu Bất Lý”.
Bánh bao Cẩu Bấy Lý ngày nay vẫn nổi tiếng bởi giữ được hương vị thơm ngon đặc biệt. Nguyên liệu chính để làm nên bánh là thịt lợn, trộn cùng với loại nước sốt đặc biệt hầm từ xương sườn trong nhiều tiếng đồng hồ. Ngoài ra, thợ làm bánh còn có cho thêm dầu mè, xì dầu tự làm, gừng, hành lá và một số loại gia vị bí truyền khác để tạo nên phần nhân ngon tuyệt hảo. Không chỉ nhân mà phần vỏ bánh cũng phải chế biến cầu kỳ không kém. Bột mỳ sau khi ủ men trong thời gian thích hợp thì sẽ được người thợ làm bánh nhào nặn rồi cán mỏng thành hình tròn, sau đó cho nhân vào gói. Lúc gói bánh, người ta phải canh sao cho bánh được nặn thành nhiều nếp gấp khác nhau trên đỉnh, trông như một bông cúc trắng đẹp mắt. Khi thực khách thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị ngon đặc biệt của phần nhân, và cả vỏ bánh mềm thơm đặc biệt khiến ta cứ muốn ăn mãi.
2. BÚN QUA CẦU
Bún qua cầu không chỉ là món ăn truyền thống với lịch sử lâu đời của vùng đất Vân Nam, mà ngày nay nó còn là món ăn nổi tiếng thu hút đông đảo người dân và cả khách
du lịch gần xa khi đến với Trung Quốc. Tương truyền, sự ra đời của món bún này gắn với câu chuyện về tình nghĩa uyên ương, vợ chồng. Chuyện kể rằng xưa kia có một đôi vợ chồng nhà nông nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Hằng ngày để chăm lo bữa ăn cho người chồng đang bận ôn thi trên một hòn đảo nhỏ, người vợ thường nấu bún mang từ nhà băng qua cây cầu dài. Tuy nhiên do đường dài nên đến nơi thì bún cũng nguội mất, người chồng ăn không ngon miệng nên cũng gầy đi. Thương chồng nên vợ thử đủ mọi cách làm nhiều món ăn ngon nhưng không thành công. Tình cờ một lần đứa con nhỏ ở nhà nghịch ngợm cho thịt vào bát canh thì thấy gắp ra vừa nóng vừa ngon, nên người vợ mới nghĩ ra cách nấu nước dùng trước, để lại lớp váng mỡ ở trên mặt để giữ cho nước nóng lâu rồi đến nơi mới cho thức ăn tươi ngon vào. Đồ ăn mang đến chỗ chồng vẫn còn nóng hổi nên người chồng ăn rất ngon, chàng cũng chú tâm học hành hơn và đỗ đạt cao. Từ đó mà cái tên bún qua cầu mới ra đời.
Để làm được món ăn độc đáo này người ta phải nấu nước dùng từ xương hầm trong khoảng 6 tiếng cho có vị ngọt, hấp dẫn. Đồng thời chuẩn bị các nguyên liệu riêng rẽ để vào từng tô, gồm: bún sợi to, nấm các loại, trứng, dưa leo, rau, thịt thái mỏng. Nước dùng khi được múc ra có một lớp váng mỡ gà bên trên để giữ nóng, khi thưởng thức thực khách sẽ bỏ từng loại đồ ăn kèm vào. Nhưng điều cần lưu ý nhất chính là đồ ăn bỏ vào phải tuân thủ theo thứ tự trước sau, đầu tiên là thả trứng sống đã đập vào tô nước dùng trước, đợi tầm 2 phút cho trứng chín, sau đó mới bỏ thịt, rau và bún cuối cùng, chờ cho chín hẳn rồi mới thưởng thức.
3. ĐẬU PHỤ THỐI
Đậu phụ thối là món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, thế nhưng sự khác biệt về cả hình thức và mùi vị của món đậu phụ thối Trung Quốc luôn là điểm thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thưởng thức. Món ăn này cũng có lịch sử ra đời rất thú vị, khởi nguồn từ đời vua Khang Hy. Tương truyền khi đó có một chàng thư sinh nghèo tên Vương Trí do trượt khoa thi và không còn lộ phí về nhà nên phải ở lại kinh thành, bán đậu phụ để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên buôn bán không được khả quan lắm, đậu phụ của anh bị ế nhiều. Khi đó anh mới cắt nhỏ đậu phụ ra rồi cho vào một cái chum ướp muối. Vài ngày sau khi mở chum ra thì anh thấy đậu phụ đã chuyển sang màu xanh và có mùi hắc, tuy nhiên khi nếm thử thì lại thấy nó có vị ngon đáng ngạc nhiên. Sau đó chàng ta mới mạnh dạn mang thứ “đậu phụ thối xanh” này ra bán, tiếng lành đồn xa mà món ăn khác lạ này dần nổi tiếng.
Để chế biến đậu phụ thối phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đặc biệt là quá trình lên men đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Để tạo mùi thum thủm đặc trưng của món ăn, người ta ủ chung đậu với nước cốt gồm sữa, rau cải, nấm đen cùng nhiều loại thảo dược khác trong khoảng 6 tháng, sau đó mới vớt ra ngoài không khí trong vòng 6 giờ hoặc 2 ngày tuỳ theo thời tiết. Món đậu phụ thối ngon, đạt chuẩn với người Trung Quốc là phải nổi mốc và chuyển màu xám, rồi người ta mới rửa qua nước tinh khiết, để khô và chiên ngập trong chảo dầu, sau đó dùng chung với nước tương và bắp cải muối. Đặc biệt ở mỗi vùng thì lại có một cách chế biến đậu phụ thối riêng, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chính là đậu phụ thối chiên vàng của người Chiết Giang và đậu phụ thối có màu đen đặc trưng của người Hồ Nam. Khách du lịch Trung Quốc có thể thưởng thức món ăn này ngay tại những xe hàng rong, quán ăn vặt hay thậm chí là cả trong các nhà hàng.