Tết Nguyên Đán là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân nhiều nước châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng. Trong đó, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong ngày Tết với quan niệm cầu mong may mắn, tốt lành cho một năm.
Giống như đa số các nước tại khu vực Châu Á, các quốc gia của vùng Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng có tục lệ đón Tết Nguyên Đán, đây được xem là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ và thưởng thức những món ăn truyền thống.
TRUNG QUỐC
Nếu như bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thông trong mâm cỗ Tết Việt thì bánh tổ (phiên âm tiếng Trung là Nian Gao) cũng không thể thiếu đối người Trung Hoa trong dịp lễ quan trọng này. Bánh tổ được làm từ gạo nếp dẻo, thơm, đường thắng kỹ, cùng với một chút gừng để tạo vị ấm và dậy mùi.
Đặc điểm của món bánh này là rất dính, mang ý nghĩa là kết dính mọi thành viên trong gia đình với nhau, yêu thương đùm bọc với nhau. Bên cạnh đó, họ còn quan niệm rằng bánh tổ khi được cúng cho thần bếp thì có thể “dính” miệng vị thần này lại để không mang lại tai họa cho gia đình mình.
Ngoài ra bữa cơm tất niên của người Trung Quốc còn có một số món ăn như bánh bao hình cá, sủi cảo, kim quất, thịt muối mặn ngọt, gỏi cá sống, cá chiên xốt chua ngọt, gà Kung Pao, vịt quay.
NHẬT BẢN
Một trong những món ăn chính trong mâm cơm Tết của người Nhật là kagamimochi. Họ cho rằng bánh kagamimochi thể hiện sự kính trọng thần linh đồng thời là món ăn đem lại may mắn và sức khỏe trong năm mới.
Osechi hay (Oshougatsu ryouri) thường được gọi một cách đơn giản là Osechi, là mâm cỗ ngày Tết ở Nhật. Ngày xưa, cứ đến những ngày cận tết là người Nhật lại tất bật chuẩn bị các món ăn Osechi để cùng thưởng thức với gia đình trong dịp Tết. Món ăn có ý nghĩa “hạnh phúc chất chồng hạnh phúc”, chính vì vậy món ăn được đặt vào các khay xếp chồng lên nhau.
Ngoài ra, mâm cỗ Tết của người Nhật Bản có một số món ăn khác như tảo biển luộc konbu, bánh cá kamaboko, đậu nành đen kuromame, tôm rim với rượu sake và nước tương, tất cả được đựng trong một chiếc hộp jubako.
HÀN QUỐC
Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món. Các món ăn truyền thống trong mâm cỗ cúng gia tiên của bao gồm canh bánh gạo, mỳ khoai lang với thịt và rau, sườn lợn sốt, cá khô, thịt bò khô, kim chi.
Đặc biệt món canh bánh gạo (Tteokguk) không thể thiếu, được chế biến đơn giản với nước canh và bánh gạo thái mỏng, Tteokguk là món ăn mang lại may mắn và đánh dấu một năm qua đi với người dân xứ sở kim chi.
Ddeok là bánh gạo nếp, món ăn phổ biến vào các dịp lễ hội và ăn mừng của người Hàn Quốc. Có hàng trăm loại Ddeok, nguyên liệu chính là bột gạo nếp, nhân đậu đỏ, vừng… Bánh thường được nặn thành nhiều hình dạng, với đủ màu sắc bắt mắt.
Ngoài ra còn có những món như miến xào thập cẩm Japchae, canh sườn bò Galbijjim, bánh gạo nếp Yaksik hay rượu hoa quả Su-jeong-gwa… là những món không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống của người Hàn Quốc.
TRIỀU TIÊN
Ngày đầu năm, người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm, khi mặt trời vừa ló. Mỗi người sẽ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Các thành viên trong gia đình quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên).
Người Triều Tiên không có tục lệ ăn bánh canh gạo như người Hàn Quốc. Thay vào đó, họ thường dùng songpyeon, một loại bánh gạo có hình bán nguyệt, cùng với những món ăn khác chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên vào sớm mồng 1 (còn được gọi là jesa).