Ấn Độ có sông Hằng, có đền Taj Mahal, có bảo tàng Phật giáo và những di chỉ gắn với đức Phật, có nền văn hóa giàu bản sắc hòa trong Hindu giáo, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn vô số điểm hấp dẫn mà phải kể đến là rất nhiều bảo tàng khác lạ đang sẵn sàng đón chào bước chân du khách.
Vòng quanh 11 bảo tàng kỳ lạ ở Ấn Độ
Bảo tàng nhà vệ sinh Ấn Độ, New Delhi
Bảo tàng quốc tế Sulabh về toilet là bảo tàng duy nhất về nhà vệ sinh ở Ấn Độ tọa lạc tại thủ đô New Delhi và tất nhiên là bạn hoàn toàn sẽ không phải ngửi thấy mùi xú uế hay các chất thải. Được thành lập năm 1992 bởi nhà xã hội học tiến sỹ Bindeshwar Pathak, bộ sưu tập trưng bày lịch sử nhà vệ sinh từ năm 2500 trước công nguyên cho đến thế kỉ 20. Được sắp xếp theo niên đại, thông tin về sự phát triển, dụng cụ vệ sinh đi kèm, thói quen và cách thức đi toilet của từng thời kỳ. Các hiện vật gồm các loại bô, chậu, lọ, bình tiểu được sơn màu, tủ chạm trổ, ngăn bí mật, vật dụng toilet có từ năm 1145 sau công nguyên. Điểm nhấn có thể kể đến toilet hình kệ sách, chậu rửa di động của Anh, bình bằng vàng và bạc dùng trong thời La Mã hay bệ ngồi của nữ hoàng Victoria. Nếu chưa đủ hứng thú, hãy thưởng thức văn chương bằng các truyện truyền thuyết, truyện tranh, truyện hài và thơ về toilet trong bảo tàng.
Bảo tàng não người, Bengaluru
Bảo tàng não người – Human Brain Museum tọa lạc tại tầng trệt của viện quốc gia về sức khỏe thần kinh và khoa học thần kinh (Nimhans) ở Bengaluru hiện trưng bày các não bộ của người và một vài loài động vật. Mỗi mẫu vật được sưu tầm mang đến cái nhìn sâu sắc về hoạt động nghiên cứu não bộ trong hơn 30 năm. Một vài mẫu chỉ ra ảnh hưởng của bệnh hay tình trạng vật lý của não. Một trong số đó là não của bào thai 21 tuần tuổi bị vi khuẩn amip ăn hay não bị máu đông. Cuối tour tham quan, du khách còn có thể tự tay giữ trên tay một bộ não thật.
Bảo tàng ma thuật, Guwahati
Mayong là ngôi làng nhỏ ở Guwahati, giàu lịch sử và là nơi quy tụ của cộng đồng những ma thuật gia. Mặc dù ngày nay số lượng thành viên còn không nhiều, một chuyến ghé qua để tìm lại chút di sản ma thuật vẫn còn được trưng bày tại bảo tàng trung tâm Mayong và Emporium sẽ đưa bạn ngược dòng thời gian về lại giai đoạn hưng thịnh một thời. Các dụng cụ để biểu diễn liên quan đến ma thuật và tà phép, yêu thuật từ hàng thế kỉ trước. Nhiều trong số đó được các nhà sưu tập tư nhân đóng góp như đồng xun, ống tre, lược gỗ, đồ đất nung, búp bê bằng kim loại, trang sức từ xương, sò và gươm. Bảo tàng khánh thành năm 2002 mang lại không khí khá thú vị cho người đến tham quan đặc biệt là những người yêu thích ma thuật cùng các câu chuyện kì bí.
Bảo tàng búp bê Shankar’s International Dolls, New Delhi
Món quà là búp bê Hungary đã đưa K Shankar Pillai đến con đường sưu tập búp bê từ tất cả các quốc gia mà họa sỹ hoạt hình này đi qua. Năm 1965, ông mở bảo tàng búp bê quốc tế Shankar với con số 50 búp bê khiêm tốn. Ngày nay, con số đó là 6700 từ 85 quốc gia. Một vài trong số đó được tặng bởi các đệ nhất phu nhân thể hiện văn hóa, thời trang, truyền thống, phong tục tín ngưỡng và trang phục của các vùng đất. Búp bê có quần áo đan từ những chuỗi hạt của Greenland, búp bên chiến binh từ New Zealand, búp bê nhảy múa Maypole từ Hungary, búp bê Kabuki và Samurai từ Nhật và tất nhiên là không thể thiếu búp bê bản địa trong trang phục cưới. Vật liệu làm từ búp bê có thể là gỗ, lụa, cotton, giấy, tóc người hay rễ cây. Bảo tàng còn có workshop để mọi người tự sáng tạo ra búp bê của mình và trao đổi với mọi người nếu thích.
Bảo tàng INS Kurusura Submarine, Visakhapatnam
Trong cái nhìn đầu tiên, bảo tàng tàu ngầm Kurusura trông giống như một chú cá voi bị mắc cạn. Chiếc tàu ngầm lớp năm của Ấn Đô nay đã không còn thực hiện các nhiệm vụ nữa và được chuyển đổi thành tàu ngầm nhằm giúp mô tả lại cuộc sống dưới lòng đại dương. Các hình nộm được sử dụng để minh hoạ công việc của thủy thủ đoàn trước kia trong không gian chật hẹp. Ngày nay, những thủy thủ đã nghỉ hưu sẽ giúp bạn hiểu hơn khi tham quan con tàu. Điểm thú vị hơn nữa là Kurusura nằm hoàn toàn trên mặt đất chứ không cho nổi lên nước giống một số con tàu ngầm trưng bày khác.
Bảo tàng Kite, Ahmedabad
Bảo tàng diều duy nhất tại Ấn Độ mở cửa năm 1986 với bộ sưu tập tư nhân của Bhanubhai Shah. Những con diều làm từ giấy, nylon, cotton, tre và các phiên bản tí hon hay khổng lồ của diều dựng khắp các bức tường. Từng con diều là các hình vẽ, mô-típ về thiên nhiên, cuộc sống hoang dã, các điệu múa. Rất nhiều trong số đó được vẽ tay các hình ảnh tôn giáo, nhân vật có thật như ngài Mahatma Gandhi. Diều 6 cạnh Rokkaku của Nhật hay những trưng bày về lịch sử diều cũng có mặt.
Bảo tàng búp bê Losel, Dharamsala
Bộ sưu tập những búp bê Losel lớn nhất thế giới hiện nằm trong tu viện kiểu Tây Tạng tại viện Norbulingka, Dharamsala. Các búp bê được làm bằng tay bởi những bậc tu hành tại tu viện Drepung Loseling. Dự án Losel Doll bắt đầu năm 1983 cũng là một trong nhiều phong trào giữ gìn lãnh thổ, bảo tồn văn hóa, phong tục của người Tạng. Búp bê trưng bày được làm từ đủ các loại vật liệu như đất sét, dây, sợi, giấy… mặc trang phục làm từ cotton, vải, lụa. Bảo tàng có tranh vẽ lại sự trù phú về cuộc sống tại khu vực Tây Tạng xưa kia.
Ngoài búp bê, các trưng bày về những điệu múa Tantric, mặt nạ… cũng xuất hiện giúp du khách hiểu thêm về văn hóa Tây Tạng.
Bảo tàng sa mạc, Jodhpur
Tại Arna Jharna (Desert Museum – Bảo tàng sa mạc), khác với cách thông thường, người ta dỡ bỏ những hộp kính và mang mọi thứ ra không gian mở. Khánh thành năm 2003 bởi những nhà nghiên cứu văn học dân gian và sử truyền miệng Komal Kothari tại một mỏ đá cát đã bỏ hoang, bảo tàng trưng bày cuộc sống trên sa mạc của con người gồm những loại hình nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ, các loại cây trồng và dược thảo. Nét thú vị của bảo tàng còn phải kể đến gian trưng bày những cây chổi từ nhiều cộng đồng thôn dã tại Rajasthan. Cư dân bản địa đã dùng những vật liệu có sẵn như cỏ, lá, cây bụi để tạo nên nhiều loại chổi và hình dáng khác nhau.
Bảo tàng truyền thống dân gian Urusvati, Gurgaon
Phiên bản Romeo và Juliet của Ấn Độ Heer Ranjha có thể được tìm thấy tại bảo tàng truyền thống dân gian Urusvati tại Gurgaon (chỉ cách thủ đô New Delhi hơn 30km). Nằm trong khu vực ngoại ô, bảo tàng có bề ngoài giống như một nông trại được dựng lên theo lối kiến trúc haveli của vùng Rajasthani (tây bắc Ấn). Bên trong bảo tàng dành trọn không gian để trưng bày những nét văn hóa nghệ thuật dân gian, chuyện truyền thuyết hay chuyện kể từ khắp các bang phía bắc Ấn. Khánh thành năm 1999, bảo tàng có bộ sưu tập phong phú các câu chuyện kể về tình yêu và người anh hùng. Đa số được viết bằng tay rất đẹp lên giấy như những bức tranh. Tầng hai của bảo tàng là thư viện nhỏ cùng phòng đọc chứa những đầu sách về văn hóa truyền thống dân gian của Ấn Độ cũng như trưng bày nhạc cụ và tác phẩm nghệ thuật từ các bang khác mang về.
Bảo tàng dụng cụ gia đình và nhà bếp Utensils, Ahmedabad
Những ai yêu thích nhà bếp và dụng cụ trong gia đình hẳn sẽ thích thú khi đến bảo tàng mang tên Utensils Museum được dựng nên năm 1981 bởi kiến trúc sư Surender C Patel và VECHAAR (Trung tâm gìn giữ môi trường nghệ thuật, kiến trúc và khảo cứu Vishalla) đưa ra ý tưởng. Trong lòng bảo tàng là bình bằng quả bầu, nồi và chảo đất, ấm đun nước, hộp đựng gia vị, ly cho trẻ em, ống cuộn, chậu để đánh kem… Đừng quên tìm kiếm hộp đựng của hồi môn từ Saurashtra, trong đó có chiếc bát/chén với đầu rắn dùng để nghiền thuốc phiện ngày xưa.
Bảo tàng xe ô tô Sudha, Bengaluru
Tuổi thơ gắn liền với những chiếc máy xe đã đưa Sudhakar Yadav chế tạo những chiếc xe của riêng mình. Các thành phẩm của chàng thợ máy được trưng bày tại Sudha Cars Museum – Bảo tàng xe ô tô Sudha. Những chiếc xe có hình thù khá kỳ lạ như ghế sofa, giày cao gót, điếu thuốc lá, máy ảnh và thậm chí là cả bao cao su. Từng chiếc xe có thông tin về ngày, thời gian chế tạo cũng như tốc độ. Những chiếc xe đặc biệt cũng chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt chẳng hạn ngày thế giới phòng chống AIDS với chiếc xế hộp hình bao cao su.