Lâu nay, trong giới du hành toàn cầu có câu chuyện truyền tai, sau khi hạ cánh xuống sân bay Wellington ở cuối Đảo Bắc (New Zealand) bạn phải dùng sức mới gỡ nổi các ngón tay đã quặp chặt vào đùi vì quá kinh hãi với những cơn gió giật mạnh khiến máy bay liên tục trồi lên, thụp xuống, lắc qua, lắc lại. Nhưng Wellington có rất nhiều điều hấp dẫn khiến ai cũng phải một lần muốn đến.
Du lịch Wellington – thủ đô lộng gió của thế giới
Hạ cánh trong gió mạnh
Từ thị trấn du lịch nổi tiếng Rotorua – từng là “miền đất hứa” của thổ dân Maori khi họ tìm đến New Zealand cách nay hơn ngàn năm, chúng tôi đáp máy bay đến du lịch Wellington. Ở đường bay ngắn nối kết hai thành phố cách nhau khoảng hơn 380km này, hãng Air New Zealand sử dụng máy bay cánh quạt Q300 của nhà sản xuất Bombardier (Canada), chở khoảng 50 hành khách.
Về hình dáng, Q300 trông giống chiếc ATR72 mà Vietnam Airlines đã khai thác trong nhiều năm, nhưng có điều khác biệt nổi bật là càng bánh đáp được thiết kế ngay dưới lồng động cơ cánh quạt. Hành khách ngồi ghế bên cửa sổ nhìn ngay ra hai càng này sẽ rất thích, vì được quan sát rõ, đầy đủ mọi động tác của càng khi máy bay cất cánh và hạ cánh.
Chiếc Q300 bay không cao lắm, chuyến bay khá êm cho đến khi chuẩn bị tiếp cận đường băng sân bay quốc tế Wellington. Gió mạnh khiến “con chim sắt” chao đảo, nghiêng qua, lắc lại, trồi lên, thụp xuống liên hồi. Gió càng mạnh hơn nữa khi chiếc máy bay nhỏ bé vượt eo biển, trực chỉ dải băng bê-tông ở đầu bên kia làn nước. Nhưng với phi công dày dạn kinh nghiệm, hai động cơ cánh quạt như quay nhanh hơn, động cơ phát tiếng mạnh hơn nâng đỡ con tàu, cuối cùng chiếc Q300 cũng đã chạm đường băng khá êm, nhanh chóng lăn vào nhà ga, nơi phù thủy Gandalf trên lưng con đại bàng vĩ đại đã chờ sẵn, y như trong phim Người Hobbit. Đoàn hành khách từ TP.HCM bay đến thở phào nhẹ nhõm. Vậy là chúng tôi đã đến được Wellington – nơi chính thức trở thành thủ đô của New Zealand vào năm 1865 và được mang danh là “Thủ đô lộng gió của thế giới”.
Tại sao Wellington luôn có gió lớn? Vì tọa lạc ngay bên eo biển Cook, điểm cuối phía Nam của Đảo Bắc giáp đầu phía bắc của Đảo Nam, với hai bên đều là những dãy núi nên toàn thành phố trở thành kênh thoát gió lý tưởng nhất cho thiên nhiên.
Thực ra trên thế giới còn có vài nơi phải hứng chịu những cơn gió mạnh hơn nhưng Wellington vẫn xứng danh là “Thủ đô lộng gió của thế giới”, vì có nhiều ngày trong năm phải trải qua gió mạnh hơn cả. Trung bình mỗi năm sân bay Wellington có khoảng 175 ngày đón tiếp những luồng gió trên 75 km/giờ, nhưng cũng có năm phải chịu gió mạnh trong suốt 233 ngày. Gió luôn là vật cản hàng đầu khiến nhiều chuyến bay của Hãng Air New Zealand dù đã đến gần sân bay Wellington vẫn phải quay đầu trở lại các điểm xuất phát như Auckland, Rotorua ở phía Bắc và Christchurch, Invercargill, Queenstown ở phía Nam.
Vào những ngày gió lớn, việc đi bộ trên đường phố ở khu trung tâm Wellington là chặng đường đầy thử thách, khách bộ hành hoặc bị đẩy mạnh về phía sau, hoặc phải gồng mình tiến về phía trước. Bức tượng người đàn ông không mặc quần áo, hai mắt nhắm nghiền, ưỡn ngực trước gió mạnh được điêu khắc gia Max Patte từ London (Anh) đến lập nghiệp ở Wellington dựng trên bến cảng đủ nói lên ý nghĩa cuộc sống của cư dân thủ đô New Zealand quanh năm phải sống chung với gió đến mức nào. Bởi nét mặt người đàn ông biểu lộ sự hân hoan, chứ không phải sự khó chịu.
Gió to thổi bừng sức sáng tạo
Nhờ gió mạnh thổi ào ào quanh năm mà Wellington là thành phố có làn không khí trong sạch không mảy may khói bụi ô nhiễm. Nhờ có gió mạnh mà nguồn điện tạo ra từ 62 turbine gió dựng trên các ngọn đồi bao quanh thành phố đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương.
Đoàn khách đến từ TP.HCM được Wellington đãi ngộ đặc biệt. Trời không mưa và gió thổi vừa, khiến thời tiết không quá lạnh đối với những người đến từ vùng nhiệt đới. Nhờ vậy chúng tôi đã có những giờ phút khám phá thú vị thành phố nổi danh là không gian của những người có tài sáng tạo, những người có khả năng kiến tạo, những người yêu mến và trân trọng sự sống, những nghệ nhân có nhiều đóng góp cho sự thành công toàn cầu của rất nhiều bộ phim hốt bạc của Hollywood (Wellington còn được gọi là Wellywood). Vì tại đây có Weta Workshop – cơ sở lừng danh thế giới về chuyên môn thiết kế đủ kiểu mặt nạ, xe, người máy, quái vật, vũ khí… trong các phim ăn khách như The Lord of the Rings (3 phần), Hobbit (3 phần), District 9, King Kong, The Chronicle of Narnia, Power Rangers, Mad Max 3: Fury…
Và chúng tôi cũng có thời gian hít hà, nếm đủ những hương vị thơm ngon của thành phố được gọi là thủ đô ẩm thực của New Zealand. Trong đó phải kể đến cà phê (theo Hãng Truyền hình CNN thì Wellington là một trong tám thành phố cà phê hàng đầu thế giới), kem gelato, bia thủ công (tạm dịch từ craft beer – phong trào sản xuất bia theo hình thức địa phương nhỏ lẻ đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam), hải sản, thịt cừu, pho mát, sôcôla, trái cây và vang.
Những du khách nào sành điệu vang, mê vang trắng làm từ nho sauvignon blanc vùng Marlborough, khi đến du lịch Wellington sẽ được thỏa mãn. Vì ở đây có rất nhiều nhãn vang lừng danh, từ Brancott Estate, Matua, Cloudy Bay, Villa Maria, Oyster Bay đến Spy Valley, Greywacke…với giá bán lẻ chỉ từ 17 – 19 đô la New Zealand/chai. Chất vang thơm, bữa tối ngon khiến chúng tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm và mãi đến đêm hôm sau mới phát hiện ra, đoàn mình được trú trong khách sạn thuộc loại độc nhất vô nhị. Đó là QT Museum Wellington, số 90 Cable Street với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị trưng bày mọi nơi, trong lobby, nhà hàng, quầy bar, hành lang… Cách đó không xa là không gian mà bất cứ ai thích du lịch, tìm hiểu lịch sử thế giới không thể bỏ qua là Te Papa Tongarewa – bảo tàng quốc gia New Zealand với rất nhiều kho tàng giá trị.
Ngày về, chúng tôi ngước mắt nhìn lên sườn đồi cao phía ngoài sân bay, đập vào mắt là dấu chỉ to, rõ của một Wellington… cuốn theo chiều gió. Hàng chữ cách điệu này đã được dựng lên vào năm 2012, như một cách khẳng định rằng đây chính là “Thủ đô lộng gió của thế giới” chứ không phải thành phố Chicago bên Mỹ. Các số liệu cho biết, vận tốc gió trung bình tại sân bay Wellington là 29 km/giờ, còn vận tốc gió trung bình tại Chicago là 18 km/giờ.